Một trong những nội dung trong dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), được nhiều người quan tâm, đó là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
 

Đánh giá đề xuất tăng tuổi hưu, một số chuyên gia về tiền lương nhận định, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH); đồng thời ảnh hưởng đến thị trường lao động và năng suất lao động.

Tăng tuổi nghỉ hưu có thể ổn định cân bằng quỹ BHXH? - Ảnh 1.

Một số chuyên gia về tiền lương nhận định, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ ảnh hưởng đến Quỹ BHXH; đồng thời ảnh hưởng đến thị trường lao động (ảnh minh họa- Internet)

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chuyên gia về tiền lương cho rằng, với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý cùng với sự phản ứng linh hoạt của thị trường lao động, tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm ổn định cân bằng quỹ BHXH, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cầu lao động và nâng cao năng suất lao động.Theo một số chuyên gia về tiền lương, khi tuổi nghỉ hưu của người lao động được nâng lên đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian làm việc cũng như thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ tăng nguồn thu của quỹ BHXH. Bên cạnh đó, tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm giảm gánh nặng chi trả cho quỹ BHXH do giảm tốc độ tăng số người hưởng lương hưu và giảm thời gian hưởng lương hưu của người ra khỏi độ tuổi lao động.
 

“Chúng ta vẫn phải tính đến vấn đề cân đối quỹ, tính bền vững của quỹ BHXH. Đặc biệt là bảo hiểm hưu trí, chúng ta phải nhìn câu chuyện, hôm nay chúng ta chuẩn bị chính sách cho 10 năm-20 năm thì đây là là cả một quá trình cân đối quỹ. Tất cả qua 3 lần dự báo, mô hình của chúng ta trước mắt đang có những cái không cân đối, đóng thì ít hơn mà hưởng thì nhiều hơn nên dẫn đến mất cân đối. Vì vậy, các chính sách của chúng ta phải làm sao để điều chỉnh quá trình này đỡ bị ảnh hưởng”.
 

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề tất yếu bởi Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số mạnh. Do vậy, việc xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với mục đích “đi trước, đón đầu”. Bởi nếu không chuẩn bị tốt sẽ tạo áp lực gây phản ứng mạnh của người dân.
 

Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, vấn đề quan trọng là làm sao đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất, toàn dân phải tham gia vào hệ thống an sinh xã hội mà BHXH chính là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.
 

“Nếu ai đó nói rằng nâng tuổi nghỉ hưu để chống đỡ mất cân bằng quỹ BHXH thì không phải hoàn toàn như vậy. Nó có tác động nhưng đó không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề cân bằng tuổi nghỉ hưu, cân bằng quỹ BHXH của chúng ta chính là số lượng người đóng để cho số lượng người hưởng hiện có xu hướng giảm dần. Đấy là một nguy cơ.
 

Thứ hai là đóng thì ít, hưởng thì nhiều mà tuổi thọ nâng lên, đây là hạnh phúc của dân tộc nhưng chúng ta phải nghĩ đến nguồn quỹ để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo lương người về hưu đáp ứng được nhu cầu của người về hưu”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.


GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS

Một số ý kiến khác cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến khả năng mất việc làm của nhóm lao động trẻ, gây xáo trộn đối với thị trường lao động và có ảnh hưởng tiêu cực khác đến mối quan hệ cung cầu lao động.
 

Ông Tạ Văn Hạ, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội phân tích, việc tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ có tác động đến Quỹ BHXH, vấn đề già hóa dân số cũng tác động không nhỏ tới cơ hội việc làm của giới trẻ. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì vô tình giữ lại một bộ phận yếu kém của bộ máy hành chính, trong khi nhiều sinh viên ra trường năng động, sáng tạo lại không có việc làm.
 

“Chúng ta cứ lấy lý do rằng tuổi thọ tăng lên và Quỹ BHXH không cân đối, như thế là chưa thuyết phục. Chúng ta phải chú ý đến cơ hội, nghề nghiệp của thế hệ trẻ. Hiện nhiều sinh viên ra trường mà không có việc làm. Việc cần chú ý nữa đó là thể lực và thể trạng của người Việt Nam có đảm bảo tăng tuổi nghỉ hưu để tiếp tục làm việc không”.
 

Trước những ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), thành viên Ban Soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cho biết, khi xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo rất khó chọn được một giải pháp tuổi hưu có thể làm hài lòng được tất cả nhóm lao động.
 

Việc nâng dần tuổi nghỉ hưu mỗi năm 3 tháng cho nam và 4 tháng cho nữ cho đến khi nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, tránh gây "sốc" cho thị trường lao động và có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp.
 

“Chúng tôi đã tính được lộ trình để đảm bảo không gây sốc. Việc này cũng liên quan đến hệ thống pháp luật, bảo hiểm, tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ. Trong doanh nghiệp cũng có thời gian để họ bố trí và cá nhân lao động cũng có quyền lựa chọn để sắp xếp công việc. Và chúng ta cũng không tăng nhanh một lúc để làm đảo lộn các quy định khác gây ảnh hưởng đến quỹ BHXH, quy chi trả lương hưu. Giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ đang chênh nhau 5 năm nên chúng tôi muốn nữ tăng thời gian cao hơn để thu hẹp dần khoảng cách nhanh hơn”, ông Hà Đình Bốn nói.
 

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đã trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo đó, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế./.
 

Theo Kim Thanh
VOV

 

Các tin khác