Top 10 sách nuôi dạy con mà các bậc cha mẹ nên đọc

  • 274 views
  • Add Favorite
  • Be a liked
  • Báo lỗi

by Kiều Duyên 28-12-2019

Hiện nay, việc nuôi dạy con cái là một điều rất quan trọng. Để giúp cho trẻ hiểu được và có được trang bị về các kỹ năng sống tốt cho tương lai là một điều khá khó, vì lúc này, trẻ còn đang ở lứa tuổi ham chơi và khá bướng, thế nên việc chỉ dạy cũng khá khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu các bậc cha mẹ không giúp trẻ có được kỹ năng sống từ thời điểm còn nhỏ thì sau này sẽ khiến trẻ bị thiếu đi kỹ năng sống và khó có thể phát triển tốt trong tương lai. Để giúp trẻ có được các kỹ năng ấy, thì mình sẽ giới thiệu đến các bạn các cuốn sách nuôi dạy con trong bài viết dưới đây. Các cuốn sách này có chức đầy đủ các cách để giúp dạy con có được đầy đủ kỹ năng sống cũng như giúp cho các bậc cha mẹ biết thêm nhiều về tâm lý của trẻ.

1

Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con

by Kiều Duyên 28-12-2019

Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con

Tác giả của cuốn sách cũng chính là tác giả cuốn sách “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”- ông Ibuka Masaru, người sáng lập tập đoàn Sony đồng thời là một nhà nghiên cứu giáo dục. “Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con” là sự tiếp nối và rút ngắn thêm quan điểm giáo dục được tác giả người Nhật khẳng định trong cuốn “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”. Và điểm quan trọng của cuốn sách thứ hai tác giả muốn nói là “Nói gì đến mẫu giáo, từ 3 tuổi mới bắt đầu dạy trẻ cũng đã muộn rồi”. Theo Ibuka Masaru cho rằng, phải giáo dục trẻ từ lúc mới lọt lòng. Dĩ nhiên, dạy trẻ càng sớm càng tốt nhưng không có nghĩa nội dung đáng lẽ dạy cho bé 4-5 tuổi thì đem dạy cho bé 1-2 tuổi. Các bậc cha mẹ cần phân biệt cách dạy dỗ sau khi bé 4 tuổi, với cách dạy dỗ khi bé 0 – 2 tuổi. Từ đó, kích thích đúng lúc, khơi gợi đúng lúc, khéo léo nuôi dưỡng niềm đam mê của con, để con có được những bước đệm tốt nhất vào tương lai. Cũng theo ông, trong giai đoạn này, vai trò của người mẹ là không thể thể thay thế. Chỉ có duy nhất mẹ là người có thể bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, không chán nản, thường xuyên lặp đi lặp lại một việc để dạy cho bé với tất cả tình yêu thương con sâu sắc. Tạo cho con môi trường tốt là điều mà chỉ người mẹ mới làm được và đó cũng là dịp thái độ, tình cảm của người mẹ dễ “truyền thụ” sang con nhất. Có thể nói, “Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con” là một gợi ý cần thiết cho các bậc cha mẹ tham khảo và quan tâm tới phương pháp giáo dục kiểu Nhật. Khi đọc cuốn sách này, có lẽ bạn đọc sẽ nhận ra thông điệp mà tác giả Ibuka Masaru gửi gắm đến: “Hãy tự tin hướng về phía con mình”.

2

Cha mẹ Nhật dạy con tự lập

by Kiều Duyên 28-12-2019

Cha mẹ Nhật dạy con tự lập

Trong quan niệm của phần lớn các bậc cha mẹ, trách nhiệm và vai trò nuôi dưỡng con của người làm cha, làm mẹ là đỡ đần, là hậu thuẫn, là hết lòng giúp đỡ con trong mọi chuyện. Tuy nhiên, theo tác giả cuốn sách “Cha mẹ dạy con tự lập” – bà Sugahara Yuko, vai trò quan trọng nhất của cha mẹ là dạy con tự lập. Theo tác giả Sugahara Yuko, các bậc cha mẹ luôn mang tâm lí muốn “bảo vệ con”, “muốn dạy con tốt” hay “muốn là cha mẹ tốt”… Tuy nhiên, thực tế của những hành động ấy lại “tước đoạt sự tự do, ngắt đi hạt mầm mới nhú giúp trẻ tự lập”. Tình yêu vô điều kiện của cha mẹ phải được đặt đúng thời điểm, bởi khi trẻ đã lớn cha mẹ cũng cần trưởng thành, thay đổi cách tiếp cận của mình với con. “Để trẻ có kĩ năng sống thì cha mẹ không nên đóng mãi vai trò là “người bảo hộ” của trẻ khi trẻ đã lớn”. Còn với trẻ từ nhỏ luôn bị cha mẹ phớt lờ khi trình bày ý kiến thì “thì lớn lên trẻ sẽ không biết diễn đạt tâm trạng của mình cho người khác”. Với những trẻ được cha mẹ đứng ra giải quyết thay mọi chuyện, “thì lớn lên sẽ không có dũng khí đối đầu với khó khăn”. Vì vậy, thay vì giúp đỡ (HELP) trẻ như khi còn nhỏ cha mẹ chỉ nên ủng hộ, hỗ trợ (SUPPORT) con khi con lớn dần. Tác giả cuốn sách “Cha mẹ dạy con tự lập” khuyên các bậc cha mẹ cần dạy con 3 bài học, đó là: “Yêu thương”, “trách nhiệm” và “hạnh phúc vì biết sống cho người khác”.

3

Tự nảy mầm tự vươn lên

by Kiều Duyên 28-12-2019

Tự nảy mầm tự vươn lên

“Tự nảy mầm tự vươn lên” là cuốn sách viết về giáo dục gia đình của Ohmae Kenichi, một người Nhật thành công cả trong sự nghiệp lẫn trách nhiệm làm cha. Ohmae Kenichi là tác giả của hơn 230 cuốn sách và rất nhiều bài báo chuyên về phân tích kinh doanh và kinh tế chính trị. Ông là một nhà tư vấn tài chính giỏi của tập đoàn McKinsey & Company. Ông được cả thế giới biết đến với danh xưng “Quý ông Chiến Lược”. Năm 1994, tạp chí Doanh nhân Vương quốc Anh bình chọn ông là một người có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Trong “Tự nảy mầm tự vươn lên”, các quan điểm giáo dục được Ohmae Kenichi đưa ra xuất phát từ thực tiễn xã hội. Bởi vậy, ông không đặt trọng trách giáo dục con vào nhà trường. Ông cho rằng nhà trường “chỉ biết cho trẻ học thuộc lòng những gì được viết sẵn trong sách giáo khoa, đào tạo nên những con người thụ động ngoan ngoãn vâng lời không biết phản kháng”. Tác giả đưa ra một quan điểm gây “sốc” khi cho rằng: “Trẻ càng giỏi ở trường, tương lai càng đáng lo”. Ông giải thích cụ thể hơn: “Thành tích học tập của con có kém, thì các bậc cha mẹ cũng không cần phải ca thán. Ngược lại, đối tượng cần phải lo lắng chính là những học sinh được nhà trường đánh giá là ưu tú. Nói một cách khác, nếu bạn tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, bạn có thể nghĩ đến một bi kịch ở tương lai”. Vì vậy, hai người con trai ông, những người có cá tính mạnh mẽ, được ông chấp nhận cho bỏ học và sớm có cuộc sống tự lập. Và sự thành công của hai người con người với việc có cho mình công ty riêng, sự nghiệp riêng là căn cứ “thực chứng” chứng minh cho sự hợp lý trong tư duy giáo dục gia đình của Ohmae Kenichi. Bên cạnh tư tưởng quyết đoán mạnh mẽ, dám “một mình chống lại cả xã hội”, ông cũng là người kiên trì bảo vệ các giá trị truyền thống như hạnh phúc gia đình. Để gìn giữ, vun đắp hạnh phúc gia đình, tránh làm cho gia đình đổ vỡ gây ảnh hưởng xấu đến các con, bản thân ông dù bận rộn vẫn cố gắng dành thời gian cho gia đình. Cuốn sách không chỉ mang đến cái nhìn thực tế về giáo dục, tầm quan trọng của việc để con trẻ “tự nảy mầm, tự vươn lên” mà còn thể hiện tình yêu thương và trách nhiệm trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ với chồng. Đó là nền tảng cho sự trưởng thành và thành công của con.

4

Cùng con bước qua tiểu học

by Kiều Duyên 28-12-2019

Cùng con bước qua tiểu học

Cuốn sách được viết bởi một bà mẹ đồng thời là một chuyên gia giáo dục gia đình và nhà tư vấn tâm lý Lưu Xứng Liên. 6 chương của cuốn sách thể hiện đầy đủ và toàn diện từng khía cạnh phát triển khác nhau của trẻ trong thời kỳ tiểu học. Từ các bài viết giản dị mà tinh tế của tác giả, các cha mẹ sẽ tìm thấy hình ảnh của con và chính mình trong đó, từ đó chắt lọc cho mình cách nuôi dạy con phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh khi đứng trước “mê cung” hàng trăm phương pháp giáo dục hiện nay. Với những chia sẻ về cách thức đồng hành cùng con một cách tỉ mỉ dựa trên những hiểu biết sâu sắc về tâm lý của trẻ cũng như những yêu cầu của sự phát triển ở trẻ, cuốn sách “Cùng con bước qua tiểu học” của chuyên gia giáo dục Lưu Xứng Liên là nguồn tham khảo hữu ích cho các bậc phụ huynh. Cuốn sách không chỉ đề cập đến việc xây dựng nền móng cho giáo dục nhân cách trẻ mà còn chỉ rõ những ảnh hưởng lâu dài của nó đến các giai đoạn về sau như lứa tuổi thanh thiếu niên, cũng như cung cấp các cách thức để cha mẹ đối diện và ứng xử với những thay đổi về lứa tuổi của con.

5

Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân

by Kiều Duyên 28-12-2019

Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân

Tác giả cuốn sách là bà Lee Na Mi, hiện là giáo sư tại trường đại học Y thuộc Đại học Quốc gia Seoul, giáo sư tại Viện nghiên cứu Jung Hàn Quốc đồng thời là viện trưởng Viện nghiên cứu Phân tích tâm lý Lee Na Mi. “Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân” đưa đến thông điệp chính là; hành trình làm cha mẹ là một cuộc dạo chơi vui vẻ cùng con cái, cha mẹ không cần tạo áp lực khiến mình trở thành ông bố, bà mẹ hoàn hảo hay biến mình trở thành siêu nhân. Bởi cha mẹ không thể lo toan cho con tất cả, không thể sống cuộc sống của con. Thành công quan trọng của việc nuôi dạy con là tạo được cho con tính tự lập, có thể xây dựng cuộc sống riêng khi rời xa vòng tay bố mẹ. Hiện nay, các bậc cha mẹ, đặc biệt là người trẻ tuổi thường gặp vấn đề trong việc tìm phương pháp nuôi dạy con khi đứng trước “cơn lũ” thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế nền tảng giáo dục được xây dựng từ những điều rất nhỏ, chỉ cần tận hưởng những khoảnh khắc bên con đã là cách nuôi dạy con lý tưởng. Tác giả đưa ra một lời cảnh tỉnh, là cha mẹ đừng quá kỳ vọng vào con. Đừng tạo áp lực cho trẻ về điểm số học tập hay cho rằng những lựa chọn của cha mẹ là điều tốt nhất nên con phải làm theo. Hãy tôn trọng sở thích, niềm đam mê của trẻ để trẻ cảm thấy được yêu thương và phát triển tự nhiên. “Cha mẹ hạnh phúc hay cha mẹ siêu nhân” cũng giúp các bậc cha mẹ, những người lần đầu nuôi con có được những kỹ năng quan trọng như làm sao để con có thói quen ăn uống hợp lý, tầm quan trọng của tấm gương là cha mẹ.

6

Cha mẹ thời đại kỹ thuật số

by Kiều Duyên 28-12-2019

Cha mẹ thời đại kỹ thuật số

Cuốn sách được viết bởi tiến sĩ Shin Yee Jin, người hoạt động với vai trò là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục, vừa là giáo sư giảng dạy tại Khoa sức khỏe tâm thần Trẻ em và Thanh thiếu niên, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần Trẻ em và Thanh Thiếu niên tại Bệnh viện Severancce (Seoul, Hàn Quốc). Cuốn sách bao gồm 5 chương, 4 chương đầu nói về những nguy hại mà thế giới kĩ thuật số đang gây ra cho trẻ em. Chương cuối tác giả đưa ra phương pháp giáo dục kĩ thuật số với 7 nguyên tắc mà cha mẹ thông minh cần phải biết. Cho đến khi đọc cuốn sách này, có lẽ hiếm cha mẹ nào nhận thức được sự nguy hại không thể lường được của các thiết bị kĩ thuật như máy vi tính, ipad hay điện thoại thông minh. “Cha mẹ thời đại kỹ thuật số” đưa ra phân tích cặn kẽ việc thế giới kĩ thuật số đang phá hủy não bộ của trẻ thơ như thế nào, khi não bộ của trẻ đang bị biến thành nô lệ của các thiết bị này. Vì vậy, các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Pháp, Đức, Phần Lan,… đã sớm quan tâm đến “phương pháp giáo dục kĩ thuật số”. Thậm chí, những thiên tài của thung lũng Silicon tại Mỹ cách li máy vi tính với cuộc sống thường ngày của con cái họ, tìm cho con một ngôi trường không có máy vi tính. Để nuôi dạy con theo phương pháp kĩ thuật số, tác giả cuốn sách đưa ra 7 nguyên tắc: Mua “khi nào” quan trọng hơn là mua “cái gì”, “nội dung” quan trọng hơn “thời gian”; Ngay từ đầu phải đưa ra các hình phạt nếu trẻ không giữ lời hứa; Giải thích cặn kẽ lý do của việc đưa ra các quy tắc; Cha mẹ và con cái hãy luôn chia sẻ với nhau về những trải nghiệm kỹ thuật số; Cả gia đình phải đồng lòng tham gia và Nếu cha mẹ không kiểm soát được tình hình hãy nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia.

7

Cùng con học nói

by Kiều Duyên 28-12-2019

Cùng con học nói

Được viết bởi tiến sỹ Sally Ward, một người có tình yêu tuyệt vời đối với ngôn ngữ và có 20 năm kinh nghiệm thụ đắc ngôn ngữ; “Cùng con học nói” là cuốn sách gối đầu giường dành cho những cặp vợ chồng chuẩn bị đón nhận vai trò làm cha mẹ. Tiến sỹ Sally Ward là một bác sỹ chuyên khoa trị liệu ngôn ngữ và giao tiếp, từng làm việc tại Trung tâm Dịch vụ Y tế Quốc gia Manchester rồi được bổ nhiệm làm trưởng khoa Trị liệu Ngôn ngữ và Giao tiếp. Bà cũng là chuyên gia cố vấn trong lĩnh vực Thiểu năng ngôn ngữ tại Đại học Hoàng Gia chuyên đào tạo bác sĩ trị liệu ngôn ngữ và giao tiếp. “Cùng con học nói” là kết quả của quá trình nghiên cứu lâu dài về Chương trình học nói dành cho trẻ thuộc các nhóm tuổi trong 4 năm đầu đời. Với Chương trình Trẻ học nói, các bậc cha mẹ có thể bắt đầu khi trẻ sắp hoặc đã qua thời kỳ sơ sinh. Chìa khóa thành công của Chương trình này là 30 phút mỗi ngày, cha/mẹ chơi một – một với con, trong môi trường yên tĩnh, không bị quấy rầy hay bị gián đoạn. “Trong khoảng thời gian đó, cha mẹ và con trò chuyện với nhau, chia sẻ trọng tâm chú ý do trẻ lựa chọn.” Tác giả cuốn sách chỉ ra, trong giai đoạn này cách cha mẹ dạy con học nói là thường xuyên nói chuyện với bé trong không gian yên tĩnh. Cha/mẹ hãy nói với bé mọi thứ đang diễn ra hay những gì đang nghĩ. Tuy nhiên nên dùng câu ngắn, có sự lên bổng xuống trầm và lặp lại nhiều lần một cách tự nhiên. Có thể nói, “Cùng con học nói” là nguồn tài liệu đầy đủ tính lý thuyết, cung cấp nền tảng khoa học đồng thời có những gợi ý bài tập thực hành cụ thể không chỉ dành cho các bậc cha mẹ mà còn là tài liệu tham khảo tốt cho các đơn vị trị liệu.

8

Cha mẹ vô điều kiện

by Kiều Duyên 28-12-2019

Cha mẹ vô điều kiện

Tác giả của cuốn sách là ông Alfie Kohn – tác giả người Mỹ với 14 cuốn sách và rất nhiều bài báo về hành vi của con người, chủ đề giáo dục và phương pháp nuôi dạy trẻ. Theo tạp chí Time, ông “có lẽ là nhà phê bình thẳng thắn nhất nước Mỹ về nền giáo dục đặt nặng thành tích và điểm số”. Các cuốn sách của Alfie Kohn được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Italy, Nga,… Năm 2006, “Cha mẹ vô điều kiện” được nhận Giải Vàng của Giải thưởng Quốc gia Hoa Kỳ dành cho ấn phẩm nuôi dạy con. Dựa trên những bằng chứng khoa học khả tín, Akfie Kohn đã phân tích những sai lầm của lối giáo dục con cái dựa trên kiểm soát hành vi mà ông gọi là mô hình cha mẹ vô điều kiện. Các bậc cha mẹ thường dùng các phần thưởng và hình phạt để khuyến khích hành động mà họ cho là tích cực và ngăn chặn những gì cho là tiêu cực. Điều này khiến các bậc cha mẹ dễ dành nhiều công sức để buộc con cái không kháng cự và phải làm theo những gì mình muốn. Trong đó, nhiều cha mẹ dùng tình yêu thương để kiểm soát trẻ như một phương pháp nuôi dạy con: “Giữ lại tình yêu khi trẻ hư hoặc quan tâm và yêu chiều khi trẻ ngoan”. Tác giả “Cha mẹ vô điều kiện” nhắn nhủ, khi trẻ cảm thấy mình được cha mẹ yêu trong những điều kiện nhất định, trẻ sẽ rất khó chấp nhận bản thân. Vì vậy, để con phát triển tốt về thể chất và đạo đức, hãy tìm cách để con cảm nhận được rằng tình yêu thương cha mẹ dành cho là vô điều điều kiện.

9

Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

by Kiều Duyên 28-12-2019

Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

“Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” là cuốn sách tổng kết kinh nghiệm nuôi dạy con gần 20 năm và nền tảng lý thuyết về giáo dục cũng như những đúc rút từ thực tế giảng dạy của tác giả, nhà giáo dục Doãn Kiến Lợi. Cuốn sách phân tích và đưa ra đánh giá toàn diện trên nhiều phương diện trong việc giáo dục con cái như học hành, điểm số, giải trí, khen, phạt,… Nhưng tựu chung, những vấn đề cuốn sách đề cập có thể gói gọn thành: nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của con trẻ. Tuy nhiên, Doãn Kiến Lợi không đưa ra những phương pháp vĩ mô, bà tập trung vào những điều đơn giản. Hơn hết, tác giả cuốn sách đánh giá cao vai trò của giáo dục gia đình đối với việc định hình nhân cách những đứa trẻ. Và tất nhiên, nền tảng của mọi phương pháp nuôi dạy trẻ là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con. Ngoài ra, bà cũng đề cập đến một số vấn đề bất cập trong giáo dục mà độc giả dễ nhận thấy có sự tương đồng với giáo dục Việt Nam hiện nay. Vì vậy, qua cuốn sách, các cha mẹ có thể tìm ra đối sách cho những vấn đề đang gặp phải. Cuốn sách phù hợp cho những người làm công tác giáo dục, quan tâm đến giáo dục và những người sắp làm cha, làm mẹ cũng như các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi thiếu nhi đến độ tuổi trưởng thành.

10

Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn

by Kiều Duyên 28-12-2019

Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn

Cuốn sách được biết bởi tác giả giả Ibuka Masaru, người sáng lập tập đoàn Sony. Ông là người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục sớm cho trẻ em. Ông quan niệm “Nhân cách và tính cách của trẻ tùy thuộc vào các giáo dục của cha mẹ khi còn nhỏ”. Năm 1969, ông sáng lập “Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục trẻ tuổi ấu thơ”. “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” xuất bản năm 1971, được mọi người gọi là “lí luận Ibuka”, giúp các bậc cha mẹ mở rộng tầm mắt và thay đổi tư duy trong việc giáo dục con cái. Cuốn sách bàn về phương pháp giáo dục trẻ trong giai đoạn từ 0 – 3 tuổi. Dựa trên những nghiên cứu về sinh lý học của não bộ và di truyền học, ông khẳng định sự phát triển về trí tuệ và năng lực của trẻ được quyết định trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, giai đoạn này là “thời kỳ thích hợp” để “nuôi dạy một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, có trí tuệ thông minh và khỏe mạnh”. “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” đã thay đổi suy nghĩ của nhiều cha mẹ cho rằng, một đứa trẻ 0 – 3 tuổi vẫn chưa để nhận thức để hiểu chúng ta nói, nên không thể giáo dục. Bằng những bằng chứng khoa học được nghiên cứu trong suốt nhiều năm, ông Ibuka đã chỉ ra rằng chính sự chưa trưởng thành khiến trẻ em sơ sinh có khả năng vô tận. Tác giả Ibuka giải thích, não con người gồm có khoảng 14 tỉ tế bào não và chúng sẽ được liên kết với nhau để xử lý toàn bộ nhận thức thông tin. Tiếp nhận các kích thích bên ngoài càng nhiều bao nhiêu thì các liên kết hình thành càng nhiều bấy nhiêu. Khi khoảng 3 tuổi trẻ đã hoàn thành 70 – 80% các liên kết và có trọng lượng não bằng 80% não người lớn. Nếu xem bộ não như một CPU của máy tính thì giai đoạn 0 đến 3 tuổi là thời gian để hoàn thành ổ cứng và từ 4 tuổi trở đi là thời gian để update các phần mềm. Như vậy, tính cách, khả năng tư duy, liên kết sự việc và sáng tạo của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự giáo dục trong giai đoạn sơ sinh thay vì phải chờ trẻ trưởng thành. Dù những lí luận về nuôi dạy trẻ được đưa ra trong “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” đã được gần 50 năm, nhưng chúng vẫn là phương pháp khoa học có giá trị cho đến hiện tại và sau này.