Nước châu Á nào sẵn sàng đón khách quốc tế sau dịch Covid-19

Bích Phượng Trần đăng 11:11 | 18/09/2020

Nước châu Á nào sẵn sàng đón khách quốc tế sau dịch Covid-19

Nguồn ảnh: zingnews.vn

Tình hình mở cửa du lịch cho khách nước ngoài ở châu Á vẫn khá phức tạp vì dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Nhiều nước châu Á đang lên kế hoạch phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Các phương án đã được đưa ra thảo luận nhưng vẫn có thể bị trì trệ nếu những ca mắc mới xuất hiện.

1Thái Lan

Thái Lan, đất nước hấp dẫn khách du lịch bậc nhất châu Á, vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến việc mở cửa. Trước đó, theo Bangkok Post, Chính phủ nước này dự định triển khai "mô hình Phuket" để từng bước đón khách quốc tế trở lại từ tháng 10.

Tuy nhiên, kế hoạch này có khả năng đổ vỡ vì địa phương ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng sau 3 tháng. Đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan dự kiến đến Phuket để thảo luận về các biện pháp phòng, chống dịch.

Nếu tình hình trong tầm kiểm soát, Phuket có thể đón khoảng 200 khách đến từ Australia và New Zealand. Những người này cần được xét nghiệm âm tính tại nước họ và chịu cách ly 14 ngày khi tới Phuket.

Ngày 10/9, The Thaiger đưa tin kế hoạch "mô hình Phuket" có thể mở rộng ra cả nước. Điều này có nghĩa Phuket sẽ không phải địa phương duy nhất thí điểm đón khách quốc tế trở lại. Dù vậy, chưa chắc các tỉnh thành khác trên toàn Thái Lan đều đồng ý tham gia vào kế hoạch này.

Hiện tại, Bộ Du lịch và Tài chính nước này đang cùng họp bàn để chốt danh sách các quốc gia đủ điều kiện tới Thái Lan. "Chúng tôi cần chấp nhận rủi ro ca mắc Covid-19 xuất hiện trở lại nếu mở cửa. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch có thể bị hạn chế bằng các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp", ông Yuthasak Supasorn, Tổng cục trưởng Du lịch Thái Lan nói.

Thái Lan

Du lịch Thái Lan chưa thể trở lại bình thường. Ảnh: Royal Thailand.

2Indonesia

Tại Indonesia, Bali được du khách ví như một thiên đường nghỉ dưỡng. Đây là địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch tốt hơn hẳn so với phần còn lại của Indonesia - đất nước có số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 nhiều nhất châu Á.

Hồi tháng 5, tờ Aljazeera có bài phân tích lý do vì sao số ca mắc Covid-19 tại Bali lại ít như vậy. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là ẩm thực Bali có nhiều loại thảo mộc mang khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Trước tin đồn Bali làm giả số liệu ca mắc, người tử vong, tờ Aljazeera nhấn mạnh "rất khó để che giấu ở một hòn đảo có kích cỡ như thế".

Theo dự kiến, Bali có thể mở cửa đón khách quốc tế từ tháng 9. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 7, số ca mắc Covid-19 tại đây đã cao đột biến do chính quyền mở cửa du lịch với các vùng khác ở Indonesia.

"Các nhà dịch tễ học và chuyên gia y tế nhận định việc khách du lịch xuất hiện ở Bali đã tăng khả năng lây nhiễm. Bên cạnh đó, số ca mắc Covid-19 tăng đột biến cho thấy những thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch và truy vết của Indonesia", tờ ABC News đưa tin.

Trong 6 tuần qua, số ca mới tại Bali đã tăng khoảng 3 lần, lên mức 116 người. Điều này khiến kế hoạch đưa khách nước ngoài trở lại Bali có thể bị hoãn vô thời hạn.

3Hong Kong (Trung Quốc)

Số ca mắc Covid-19 ở đặc khu này đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Từ 4/9, các nhà hàng, trung tâm giải trí, thể thao đã được nới lỏng lệnh giãn cách xã hội.

Theo SCMP, Hong Kong có thể triển khai mô hình "bong bóng du lịch" với 11 quốc gia, trong đó bao gồm Việt Nam. Khái niệm bong bóng du lịch được nhắc đến rất nhiều từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.

Đây là biện pháp giúp du lịch an toàn, tránh lây lan virus. Khách từ nước, vùng lãnh thổ thuộc bong bóng có thể du lịch qua lại mà không cần cách ly. Tuy nhiên, các nước trong bong bóng không được phép cho "nguồn lạ" vào lãnh thổ của mình để tránh lây lan dịch bệnh.

Hong Kong hy vọng việc triển khai bong bóng du lịch thành công sẽ cứu vớt ngành hàng không, khách sạn, du lịch ở đặc khu này.

Hong Kong (Trung Quốc)

"Bong bóng du lịch" có thể giúp Hong Kong phục hồi ngành du lịch. Ảnh: The Sannons Photography.

4Nhật Bản

Chính quyền xứ anh đào vẫn chưa cho phép khách du lịch quốc tế tới nước này. Tuy nhiên, họ dự kiến mở cửa biên giới cho các chuyên gia, doanh nhân, lao động từ 8 nước (có Việt Nam). Sau đó, 2 đối tượng còn lại là du học sinh và khách du lịch mới được xem xét.

Nhật Bản yêu cầu khách đến phải có xét nghiệm PCR âm tính của nước họ trong 72 giờ. Khi đến nơi, khách phải vượt qua một bài xét nghiệm khác và chịu cách ly 14 ngày.

5Maldives

"Thiên đường nghỉ dưỡng" Maldives hầu như không có biện pháp kiểm soát dịch. Họ cho phép khách du lịch đến nghỉ dưỡng từ 15/7 mà không cần cách ly, xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, từ 10/9, quy định này đã được thay đổi từ đầu tháng 9. Trang web chính thức của Chính phủ Anh quốc ghi rõ "có giới hạn khi nhập cảnh vào Maldives".

Theo đó, từ 10/9, khách du lịch và khách ngắn hạn phải xuất trình xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 khi đến Covid-19. Các cơ sở cách ly cũng được thiết lập để giải quyết những trường hợp nghi nhiễm.

Du lịch chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, số khách đến Maldives đã giảm khoảng 1/3 kể từ 15/7. Bên cạnh đó, số ca mắc Covid-19 tại Maldives đã tăng thêm khoảng 1.000 trường hợp chỉ trong tuần qua. Tổng số ca nhiễm ở đây đã lên tới hơn 8.000.

Nguồn: zingnews.vn

Bạn có hài lòng với nội dung này không?